Phú Quốc và hành trình trở thành thiên đường du lịch

Với nguồn tài nguyên đa dạng và độc đáo, cộng thêm chính sách đầu tư, phát triển đúng hướng, chỉ trong vòng vài năm qua, Phú Quốc (Kiên Giang) đã trỗi dậy mạnh mẽ trở thành điểm sáng về du lịch trong nước và khu vực. Năm 2016, việc được lựa chọn là hạt nhân tổ chức Năm Du lịch Quốc gia cũng là cơ hội lớn để đảo Ngọc tiếp tục bứt phá trên hành trình chinh phục giấc mơ trở thành thiên đường du lịch Đông - Nam Á.

Phú Quốc và hành trình trở thành thiên đường du lịch

Những “đặc ân” của thiên nhiên


Bên cạnh những bãi biển cát trắng trải dài, những dãy rừng nguyên sinh trùng điệp, những sản vật phong phú nức tiếng (nước mắm, hồ tiêu, điều, ngọc trai…), những giai thoại dân gian huyền bí… vốn là tiềm năng dồi dào để phát triển du lịch; Phú Quốc còn được ban tặng những lợi thế về tự nhiên không nơi nào có được. 

Nằm gọn trong vịnh Thái-lan, Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất và duy nhất của Việt Nam không phải gánh chịu ảnh hưởng từ bão. Đây là yếu tố vô cùng thuận lợi giúp đảo Ngọc có thể khai thác du lịch quanh năm. Diện tích tương đối nhỏ, chỉ khoảng gần 600 km2, nhưng việc sở hữu đường bờ biển dài tới 150 km cũng là thế mạnh giúp Phú Quốc khai thác tối đa dịch vụ du lịch khắp đảo. Bên cạnh đó, đây còn là hòn đảo nằm trên tuyến đường biển quan trọng phía nam Việt Nam, dễ dàng kết nối với các thị trường du lịch trọng điểm trong khu vực như Cam-pu-chia, Thái-lan, mở ra hướng tiếp cận tổng thể vùng thuận lợi với du khách.

Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, bao gồm cả huyện Phú Quốc được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã khiến hòn đảo này dần trở thành cái tên quen thuộc trên bản đồ du lịch quốc tế. Những yếu tố thuận lợi có một không hai, cộng với vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết nơi đây đã biến Phú Quốc trở thành lựa chọn số một cho những du khách ưa du lịch sinh thái, khám phá kết hợp nghỉ dưỡng.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ


Nhằm tận dụng, phát huy tối đa những lợi thế đó, Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời đề ra những chính sách phù hợp. Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 178 phê duyệt đề án phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại của toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Sân bay quốc tế Phú Quốc với quy mô 900 ha từ khi đi vào hoạt động năm 2012 đã tạo ra khả năng kết nối thuận lợi bằng đường hàng không tới nhiều quốc gia như Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia, Nga, Thái-lan… Cáp điện ngầm xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc dài 55,8 km vận hành từ đầu năm 2014 giúp giảm đáng kể nguồn điện năng tiêu thụ, tạo đà thúc đẩy kinh tế vùng. Nhà máy nước Dương Đông được nâng cấp cũng tác động tích cực tới du lịch, làm giảm chi phí hoạt động, vận hành của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Nhà nước còn áp dụng hệ thống cơ chế ưu đãi cao nhất dành riêng cho Phú Quốc về khuyến khích đầu tư nước ngoài và trong nước, đáng kể nhất là những ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp (10% thay vì 28%), thuế thu nhập cá nhân (giảm 50%)... Điều này tạo sức hấp dẫn lớn thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển hạ tầng du lịch tại Phú Quốc.

Tiên phong phải kể tới Tập đoàn Vingroup với việc khánh thành tổ hợp khách sạn năm sao nằm trong quần thể Vinpearl Phú Quốc rộng 304 ha và sắp tới là chuỗi tiện ích thương mại, giải trí… Đón đầu xu thế tăng trưởng du lịch của đảo Ngọc, hàng loạt tập đoàn lớn khác như Sun group, BIM group, LDG Group cũng triển khai liên tiếp hệ thống khách sạn, resort đi thẳng vào chuỗi phân khúc cao cấp.

Một dự án bất động sản ở Phú Quốc thu hút được sự quan tâm đông đảo của các nhà đầu tư

Cuối năm 2015, các “ông lớn” bất động sản đã đóng góp cho đảo Ngọc thêm 700 phòng khách sạn năm sao. Dự kiến đến năm 2016 sẽ có thêm gần 3.000 phòng và đến năm 2020, Phú Quốc sẽ có khoảng 10.000 phòng, trở thành nơi có số lượng phòng khách sạn cao cấp lớn nhất cả nước với khả năng tiếp đón 2,1 đến 2,4 triệu du khách mỗi năm. Có thể thấy, không khí sôi động trên công trường của khoảng 200 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư đến nay với tổng số vốn khoảng 200 nghìn tỷ đồng tại Phú Quốc đang dần cho thấy diện mạo của một nền công nghiệp không khói phát triển.

Cùng với sự đầu tư về hạ tầng du lịch, chính sách ưu đãi miễn thị thực trong thời hạn lưu trú 30 ngày tại Phú Quốc đối với người nước ngoài, Việt kiều áp dụng từ cuối năm 2013 cũng là “cú huých” lớn giúp lượng khách du lịch đến Phú Quốc không ngừng tăng. Nếu năm 2010, Phú Quốc chỉ đón khoảng 239.000 lượt khách, thì tới năm 2013, con số này đã là 623.000 lượt khách, tăng gần ba lần. Riêng chín tháng đầu năm 2015, Phú Quốc thu hút hơn 1,2 triệu lượt khách, đạt 115,9% so với kế hoạch năm. Tốc độ tăng trưởng du lịch những năm gần đây của Phú Quốc luôn đạt hơn 30%, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng đạt khoảng 25%. Và chắc chắn, những con số thống kê này thời gian tới sẽ còn tiếp tục gây kinh ngạc bởi đây vẫn chỉ là giai đoạn “chuyển mình” của ngành công nghiệp không khói ở đảo Ngọc.

“Đòn bẩy” để bứt phá


Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 xác định mục tiêu sẽ xây dựng Phú Quốc thành đặc khu kinh tế-hành chính vào cuối năm 2020 với vai trò là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế, là trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế… Kéo theo đó là hàng loạt các dự án lớn đang được đẩy nhanh tiến độ như: dự án mở rộng quy mô cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, xây dựng khu phức hợp nghỉ dưỡng có ca-si-nô, vườn thú với hơn 500 loài, hoàn thiện hệ thống cáp treo nối ra đảo Hòn Thơm, nơi sẽ được đầu tư trở thành khu giải trí du lịch tổng hợp… Đây là cơ hội lớn hứa hẹn sẽ mang tới sự “thay da đổi thịt” ngoạn mục cho Phú Quốc chỉ trong vài năm tới.

Nằm trong mạch vận động mạnh mẽ ấy, Năm Du lịch Quốc gia 2016-Phú Quốc - đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Khám phá đất phương nam” được coi là “đòn bẩy” quan trọng giới thiệu, quảng bá Phú Quốc với du khách trong nước và nước ngoài, tạo bệ phóng thúc đẩy du lịch đảo ngọc phát triển, đồng thời nâng cao khả năng liên kết du lịch giữa Phú Quốc, Kiên Giang với các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kiên Giang Trần Chí Dũng cho biết, để thực hiện mục tiêu trên, hai sự kiện trọng điểm của Năm du lịch Quốc gia 2016 là Lễ khai mạc (dự kiến 9-4-2016) và Lễ bế mạc (dự kiến 24-12-2016) sẽ được tổ chức tại Phú Quốc chứ không phải trung tâm hành chính tỉnh.

Trong số 11 sự kiện do tỉnh Kiên Giang đăng cai tổ chức trên tổng số hơn 60 sự kiện diễn ra trong suốt Năm Du lịch Quốc gia 2016, Phú Quốc sẽ là điểm hội tụ của sáu sự kiện văn hóa-du lịch lớn, ngoài lễ khai mạc và bế mạc là: Giải bán Marathon quốc tế, Giải mô-tô nước toàn quốc (tháng 6), Hội thi Hướng dẫn viên du lịch giỏi toàn quốc (tháng 9), Liên hoan Ẩm thực đồng bằng sông Cửu Long (tháng 9)… Cùng với sức hấp dẫn của gần 40 sự kiện được tổ chức ở các tỉnh trong vùng, Kiên Giang kỳ vọng tốc độ tăng trưởng khách du lịch năm 2016 sẽ đạt mức gần 40%.

Theo Nhân Dân

0 nhận xét: